Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 46/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Một trong những điểm đáng chú ý là việc bỏ quy định cho phép người dân giám sát Cảnh sát giao thông (CSGT) bằng các thiết bị ghi âm, ghi hình. Theo lý giải từ phía Bộ Công an, quy định cũ (cho phép) đã bị lợi dụng trong thời gian qua, khi một số cá nhân sử dụng để quay phim, phát trực tiếp các chốt kiểm tra của CSGT lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến công tác xử lý.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quyết định mới này có phần tước đi quyền giám sát chính đáng của người dân đối với lực lượng thực thi pháp luật. Theo quy định tại Hiến pháp và Luật Phòng chống tham nhũng, người dân có quyền tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan, cá nhân thực thi công vụ. Đây là quyền được luật pháp bảo vệ, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và ngăn chặn hành vi lạm quyền, tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm giao thông. Việc giám sát không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của người dân trong việc góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, pháp trị.

Lý do mà Bộ Công an đưa ra dường như chưa thuyết phục, bởi các quy định pháp luật đã có sẵn chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, cơ quan. Những vi phạm như vậy đều có thể được xử lý theo Luật An ninh mạng và Bộ luật Hình sự, thay vì tước bỏ hoàn toàn quyền giám sát hợp pháp của người dân.
Việc Bộ Công an viện dẫn tình trạng lạm dụng quay, phát trực tiếp làm lý do để bỏ quy định này dường như chưa hợp lý. Thay vì cấm đoán, cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc lợi dụng quyền giám sát, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, vốn đã được quy định rõ ràng trong nhiều văn bản pháp luật